Báo Dân Trí: Đến Hà Nội đừng quên trải nghiệm du lịch sông Hồng

Đến Hà Nội, đừng quên trải nghiệm Du Lịch Sông Hồng

 

Link Bài Viết: https://dantri.com.vn/du-lich/den-ha-noi-dung-quen-trai-nghiem-du-lich-song-hong-20190905133704174.htm?fbclid=IwAR2hwjtwCjwHC1rXgLid9HyGq-S9-sTXr4lbNC7FugrpYH3tY9tlNX0I28Q 

 

Dân trí Không phải ngẫu nhiên mà tên gọi Hà Nội có ý nghĩa “thành phố trong sông”. Con sông Nhị Hà nổi tiếng với dòng chảy nặng phù sa, với những trầm tích lịch sử, từ bao đời nay đã ôm trọn vẹn mảnh đất thủ đô yêu dấu vào lòng…

Sông Hồng- Con sông yêu dấu của người Hà Nội

“Tôi sinh ra nơi làng quê Hà Nội, dòng sông Hồng chảy suốt cuộc đời tôi…” Với mỗi người Hà Nội, sông Hồng không chỉ là con sông ấu thơ yêu dấu, mà còn là mạch chảy ngầm suốt chiều dài lịch sử, từng ghi dấu bao thăng trầm của thành phố là trái tim của đất nước hình chữ S.

Đổ vào Việt Nam ở Lào Cai, sông Hồng với đoạn hạ lưu chảy qua Hà Nội dài 91 km. Đây chính là con sông bồi đắp nên một nền văn minh sông Hồng rực rỡ 1 thời. Bên cạnh đó, sông Hồng còn là chứng tích lịch sử, ghi dấu quá trình hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, giai đoạn quân và dân nhà Trần 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược, sông Hồng đóng vai trò quan trọng với những địa danh như Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Tây Kết, Đông Bộ Đầu ghi dấu những chiến công oanh liệt.

Đến Hà Nội, đừng quên trải nghiệm du lịch sông Hồng - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Du lịch sông Hồng là một hành trình thú vị được nhiều du khách ưa thích

Bên cạnh đó, sông Hồng thể hiện rõ một phần tín ngưỡng của người Việt: tục thờ thủy thần cùng nền văn minh gắn bó với sông nước. Dọc theo hai bên sông cũng ghi dấu nét văn hóa Bắc Bộ độc đáo với những làng chài, làng nghề truyền thống.

Nói một cách giản đơn hơn, khám phá sông Hồng là khám phá sự đa dạng trong văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và cuộc sống của người Việt, đặc biệt là người Hà Nội.

Một ngày buông trôi trên dòng sông huyền thoại

Du lịch tàu thủy trên sông Hồng không phải là loại hình xa lạ đối với người đam mê khám phá Hà Nội và các làng nghề ven sông. Từ 8h sáng, chiếc tàu nhỏ mang du khách xuôi dòng sông Hồng trong cơn gió mát lành của những ngày cuối Hạ. Nhìn dòng nước cuồn cuộn đỏ nặng phù sa, thật dễ lý giải cho cái tên mà dân gian quen gọi con sông lịch sử này. Một tiếng rưỡi trôi qua, thu vào tầm mắt là những làng xóm hai bên, những bãi bờ trồng màu của các hộ dân sống dọc theo con sông. Đâu đó là bóng dáng những con thuyền nhỏ của cánh chài lưới, những người ngày ngày vẫn sống bằng cá tôm mà dòng sông mẹ nuôi dưỡng.

Đến Hà Nội, đừng quên trải nghiệm du lịch sông Hồng - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Con tàu trôi trên dòng sông lịch sử

Tàu cập bến, cùng những vị khách trong đoàn, tôi ghé thăm đền Dầm và đền Đại Lộ, hai ngôi đền thờ Mẫu thuộc xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đền Dầm rộng, ghi dấu ấn bởi kiến trúc cổ, cột gỗ và mái ngói cũ ngả màu thời gian cùng khuôn viên thoáng đãng. Đền Đại Lộ được xây dựng vào triều Trần, cách đây khoảng 700 năm. Sự ra đời 2 ngôi đền đều gắn với những người phụ nữ. Tuy vậy, tôi cảm nhận rõ hơn cả văn hóa thờ Mẫu đậm nét trong 2 ngôi đền này, văn hóa đã trở thành tín ngưỡng của người Bắc Việt.

Tạm biệt 2 ngôi đền, tàu xuôi về đền Đa Hòa, Hưng Yên, nơi thờ 1 trong tứ bất tử của người Việt: Đức thánh Chử Đồng Tử. Truyền thuyết Chử Đồng Tử lưu dấu trong tâm thức người Việt hình ảnh chàng trai giàu lòng hiếu nghĩa, ca ngợi mối tình bất chấp thân phận, địa vị. Đến Đa Hòa, du khách không khỏi ngạc nhiên thích thú vì danh xưng “ngôi đền tình yêu”. Tương truyền rằng, bên cạnh mối tình đậm chất cổ tích cùng công chúa Tiên Dung, đức thánh còn một vị phu nhân khác, và đây là nơi thờ “1 ông 2 bà” vốn rất linh thiêng, đặc biệt với ai muốn đến cầu tình duyên.

Đến Hà Nội, đừng quên trải nghiệm du lịch sông Hồng - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Hành trình trải nghiệm ngập tràn tiếng cười của du khách sau 1 ngày khám phá sông Hồng

Bữa cơm trưa ấm áp trên tàu cho tôi khoảng thời gian suy nghĩ về những trầm tích văn hóa mà dòng sông mang lại. Để đến khi con tàu quay đầu, bắt đầu ngược lại cuộc hành trình, tôi không nhận ra mình đã cập bến làng gốm Bát Tràng từ bao giờ. Tương truyền rằng, người đến Bát Tràng từ xưa đa phần là dân di cư. Nhờ lộc trời cho một mảnh đất có nhiều khoáng sản là đất sét trắng mà người dân Bát Tràng phát triển nghề làm gốm. Ngày nay, nhiều người cho rằng Bát Tràng đã bị thương mại hóa nhiều, mất đi nét cổ kính làng nghề thời xưa. Nhưng khi bước đi trên con đường làng, ngắm nhìn những lò gốm, ngắm nhìn cả những căn nhà cổ còn dựng bằng đá ong sẽ cảm nhận được nét cổ kính nơi đây. Đặc biệt, trải nghiệm tự tay làm gốm là một trải nghiệm thú vị nên thử một lần trong đời. Những cô bé, cậu bé đi cùng đoàn rất háo hức khi tự tay nặn nên những chiếc cốc gốm, vài lọ hoa xinh xinh.

Tàu cập bến lúc hoàng hôn đã buông đỏ rực phía trời Tây. Một cơn gió lành thổi qua, khiến tôi cảm thấy thêm yêu, thêm tự hào vì những điều đáng yêu, đáng quý mà hành trình nhớ mãi này đem lại.

 

Bài viết liên quan

0243 8261 479